Ngày đôi bạn thân nhận được niềm vui đạt thủ khoa và á khoa khối B của tỉnh Quảng Ngãi, một trong hai người đang phải điều trị ở bệnh viện bởi một khối u trong xương

Mấy hôm nay, câu chuyện về đôi bạn thân Phạm Phú Phong (lớp 12 A1) và Nguyễn Tấn Thành (lớp 12A2, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa) cùng đạt vị trí thủ khoa và á khoa khối B, đã làm nức lòng những người dân nghèo ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Hai người bạn, hai hoàn cảnh

Chúng tôi gặp Phạm Phú Phong khi em đang tất bật chuẩn bị hành lý vào TP HCM thăm người bạn thân đồng thời cũng là “đối thủ” lớn nhất trong học tập của mình. Đó là em Nguyễn Tấn Thành đang nằm viện chờ kết quả xét nghiệm sinh thiết, chuẩn bị cho ca phẫu thuật quan trọng.

Phong và Thành đã thân thiết với nhau từ thời còn học cấp 2. Lên cấp 3, cả hai em đều học lớp chọn A1 và A2 của Trường THPT Tư Nghĩa 1. Mấy năm học THPT, cả hai chẳng mấy khi tách rời, cùng chở nhau đi học, cùng chung nhiều sở thích và ước mơ. Nhiều lúc cả hai cùng dùng chung các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để chia sẻ chuyện học hành, bạn bè…

Niềm vui bỗng chốc vỡ òa vào ngày nhận kết quả thi THTP quốc gia 2018. Cả hai em lần lượt đạt điểm số cao nhất khối B ở tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, Phong đạt 27 điểm (toán 9, hóa 8,75, sinh 9,25), còn Thành đạt 26,9 điểm (toán 9,4, hóa 8,75, sinh 8,75).

Đôi bạn thủ khoa kỳ phùng địch thủ - Ảnh 1.

Phạm Phú Phong (trái) vào TP HCM thăm bạn thân Nguyễn Tấn Thành đang nằm chờ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (quận 10, TP HCM). (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Em hơi tiếc cho Thành vì nếu hai đứa bằng điểm thì vui hơn hoặc Thành đạt số điểm trên 27 thì sẽ nhận được tiền thưởng của tỉnh, giúp bạn ấy có chi phí trang trải cho ca phẫu thuật sắp tới” – Phong nói.

Nhà của Thành cách nhà Phong không xa, cùng thuộc thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa. Cả bố và mẹ Thành đều đi làm phụ hồ, nuôi 2 anh em đi học. “Hôm thi môn cuối cùng, Thành có về đá bóng với một số em nhỏ trước nhà, chẳng may bị gãy xương đùi. Gia đình đưa đến bệnh viện, sau đó được chuyển ra Đà Nẵng nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng yêu cầu gia đình đưa Thành vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để làm kết quả xét nghiệm sinh thiết. Các bác sĩ chẩn đoán trong xương của em có một khối u khiến xương rất dễ gãy. Hiện em đang chờ phẫu thuật” – anh Nguyễn Tấn Trung, anh ruột của Thành, chia sẻ.

Tin vui con đạt điểm thi cao cũng giúp bà Nguyễn Thị Minh Thanh (mẹ của Thành) an ủi được phần nào. Bởi từ khi hay tin con có nguy cơ mắc bệnh khó chữa, bà như chết lặng. “Ngày nào tôi cũng cầu mong Thành được sớm khỏe mạnh, rồi đi học trở lại. Vợ chồng tôi dù có khổ cực tới đâu cũng phải cố gắng để lo cho con, nuôi nó ăn học thành tài” – bà Thanh nghẹn ngào nói.

Từ khi biết Thành phải nhập viện, Phong đã đi vận động bạn bè khắp nơi, tổ chức quyên góp để lấy chi phí cho ca phẫu thuật của Thành cũng như tiền trang trải cho việc nhập học sắp tới. “So với Thành, gia đình em có điều kiện kinh tế khá giả hơn nên em cũng sẽ dành một phần tiền thưởng từ việc đỗ thủ khoa để giúp đỡ Thành trong ca phẫu thuật” – Phong khẳng định.

Không có cuốn sách nào hoàn hảo

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Thành cho biết sau khi phẫu thuật xong, với số điểm đạt được, em sẽ làm hồ sơ nộp vào Trường Đại học Y dược TP HCM. “Mong ước của tụi em là trở thành bác sĩ giỏi, chữa bệnh giúp người nên cả hai sẽ cùng nhau nộp hồ sơ vào cùng khoa của Trường ĐH Y Dược TP HCM” – em Nguyễn Tấn Thành chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết để trở thành thủ khoa và á khoa, cả hai đều gãi đầu bối rối và nói rằng không có bí quyết gì. “Thật sự bọn em không có bí quyết gì hết. Chắc bí quyết lớn nhất là ngoài những kiến thức ở trường được thầy cô chỉ dạy, bọn em còn phải thường xuyên học qua mạng là chính” – cả Thành và Phong nói.

Học trên mạng giúp các em tự chủ được bản thân. Nhiều khi đang học, cảm thấy mệt mỏi, Thành và Phong có thể mở Facebook, mở phim… xem thì cảm giác căng thẳng sẽ tan biến ngay. Cách học này giúp cả hai cập nhật kiến thức rất nhanh chóng, phù hợp với xu hướng ra đề thi. Thực tế xu hướng ra đề bây giờ bám sát với thực tiễn xã hội nên theo Phong, không có cuốn sách nào tốt tuyệt đối cả. Bởi cuốn sách năm đầu có thể cung cấp nhiều kiến thức mới nhưng năm sau đã lỗi thời so với xu hướng ra đề. Đặc biệt, từ năm học lớp 11, Phong đã không đi học thêm, còn Thành chỉ học thêm môn toán.

Cả Thành và Phong đều tự nhận mình không phải giỏi, không thông minh nhưng cả hai đã biết học đúng cách. “Trong 12 năm học, có năm bọn em được xếp loại giỏi nhưng có năm bọn em cũng chỉ được xếp loại khá. Năm học 12, bọn em tập trung ôn luyện, thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn, ngày nào cũng giải ít nhất một đề khó trên mạng. Có lúc bọn em cùng chia sẻ nhau cách học, cùng nhau giải đề khó… Bởi vậy mọi người nói bọn em vừa là bạn, cũng vừa đối thủ của nhau ” – em Nguyễn Tấn Thành dí dỏm nói.

Ý thức tự học đáng nể

Thầy giáo Lâm Tín, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào khi trường có 2 học sinh cùng nhau đỗ thủ khoa và á khoa. Cả hai em đều là những học sinh có thành tích xuất sắc, đặc biệt bản thân các em có ý thức tự học rất đáng nể, trở thành tấm gương cho nhiều học sinh khác noi theo.

Riêng trường hợp của Thành hiện phải nằm viện chờ phẫu thuật, thầy Tín cho biết trường sẽ cử đại diện vào thăm hỏi, động viên em vượt qua khó khăn, tiếp tục chặng đường chinh phục tri thức sắp tới.

Cùng chuyên mục

Ngày Hội Chia Sẻ tiền thân là một chương trình tư vấn tuyển sinh dành cho các em học sinh, sinh viên. Chương trình đầu tiên được khởi phát từ năm 2001 với tổ chức khá đơn sơ cùng kinh phí ít ỏi do các bạn trẻ quyên góp từ Cộng đồng Cựu học sinh (CHS) Tư Nghĩa 1.